Phần mềm quản lý bán hàng Kiến thức Cách chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp

Cách chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp

1193
hộ kinh doanh lên doanh nghiệp

Hiện nay Việt Nam có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, chiếm tới 30% GDP. Không phủ nhận đóng góp quan trọng này nhưng khi hộ kinh doanh cá thể có nhu cầu mở rộng và phát triển quy mô thì nên chuyển lên doanh nghiệp. Hồ sơ, trình tự thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp như thế nào? Cùng tìm hiểu bài viết sau nhé!

1. Tại sao cần chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp

Hộ kinh doanh cá thể là một hình thức kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô vốn thấp danh cho các cá nhân, hộ gia đình. Với mô hình kinh doanh này, không cần phải khai báo thuế định kỳ, thuế thu nhập cá nhân, nghĩa vụ thuế…

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển như mở thêm chi nhánh, sử dụng nhiều nhân viên hay vay vốn ngân hàng… thì cần phải chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Đặc biệt, với hộ kinh doanh có doanh số lớn, thường xuyên sử dụng hóa đơn.

Ví dụ: Bạn thành lập và sở hữu một shop thời trang bán lẻ trên phố. Thời gian đầu, doanh thu trung bình khoảng 150 triệu đồng/năm, tiền thuế nộp 2,5 triệu đồng/năm. Nhưng qua 2 năm phát triển, doanh thu lớn, bạn phải thuê thêm nhiều nhân viên. Đồng thời thương hiệu phát triển và bạn muốn mở thêm một vài cơ sở khác. Đây chính là thời điểm nên chuyển đổi lên doanh nghiệp.

hộ kinh doanh lên doanh nghiệp

Chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp là xu hướng phát triển tất yếu của mô hình kinh doanh 

2. Lợi thế khi chuyển từ hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp

Thực tế, có khá nhiều hộ kinh doanh cá thể ngại chuyển lên doanh nghiệp vì thủ tục rắc rối, các vấn đề về kê khai thuế. Tuy nhiên, để phát triển lâu dài bạn nên thay đổi mô hình kinh doanh lớn hơn. Khi chuyển đổi lên doanh nghiệp sẽ có rất nhiều lợi thế như:

  • Tự do kinh doanh các ngành nghề theo quy định của pháp luật.
  • Tự do mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh trên toàn quốc.
  • Không giới hạn số thành viên/cổ đông cùng góp vốn thành lập doanh nghiệp.
  • Được điều chỉnh mức vốn điều lệ phù hợp với hoạt động kinh doanh.
  • Dễ dàng hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
  • Được hỗ trợ vay vốn.
  • Không giới hạn số lượng lao động.

3. Quy định về chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp

Căn cứ vào Nghị định số 108/2018/NĐ-CP sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp. Tại Khoản 6 Điều 1 hộ kinh doanh có thể trực tiếp chuyển đổi thành doanh nghiệp mà không cần giải thể hộ kinh doanh.

4. Hồ sơ chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp

Mỗi một loại hình doanh nghiệp cần chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ khác nhau.

4.1. Hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh

– Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

– Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế.

– Các giấy tờ quy định tại Điều 21, Điều 22 và Điều 23 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp tương ứng với các loại hình doanh nghiệp.

4.2. Hồ sơ chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp tư nhân

– Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh bản chính.

– Giấy chứng nhận đăng ký thuế bản sao hợp lệ.

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ doanh nghiệp tư nhân như: Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu.

4.3. Hồ sơ chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần và công ty hợp danh

– Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh bản chính.

– Giấy chứng nhận đăng ký thuế bản sao hợp lệ.

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệpĐiều lệ công ty.

– Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần. Danh sách người đại diện theo ủy quyền đối với cổ đông nước ngoài là tổ chức.

– Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:

  • Giấy tờ chứng thực cá nhân đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là cá nhân như Chứng minh thư nhân dân/Căn cưới công dân/Hộ chiếu.
  • Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác. Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân như Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức.
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.

4.5. Hồ sơ chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

– Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh bản chính.

– Giấy chứng nhận đăng ký thuế bản sao hợp lệ.

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

– Điều lệ công ty.

– Bản sao hợp lệ một trong những giấy tờ chứng thực cá nhân như Chứng minh thư nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu của người đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

– Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau:

  • Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân như Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân.
  • Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác. Điều lệ hoặc tài liệu tương đương khác của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước).
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
  • Văn bản ủy quyền của chủ sở hữu cho người được ủy quyền đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức

5. Các bước thực hiện chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ tương ứng với loại hình doanh nghiệp muốn chuyển đổi như trên.

Bước 2: Nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh của Sở kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp định đặt trụ sở chính.

Bước 3: Phòng đăng ký kinh doanh tiếp nhận và xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Sau đó trả biên nhận hồ sơ có hẹn thời gian trả kết quả.

Bước 4: Theo ngày hẹn đến Phòng đăng ký kinh doanh nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Bước 5: Khắc dấu doanh nghiệp và thông báo mẫu con dấu.

Bước 6: Đăng bố cáo thành lập doanh nghiệp trong thời gian 30 ngày kể từ thành lập.

Ngoài ra, trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở để thực hiện chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh.

Nếu đáp ứng đầy đủ hồ sơ và thủ tục trên, hộ kinh doanh cá thể sẽ chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tùy theo nhu cầu, mỗi cá nhân hướng tới mục tiêu kinh doanh mà chọn mô hình kinh doanh phù hợp. Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích cho cá nhân kinh doanh.

* Nguồn: Nam Việt Luật