Rất nhiều shop mỹ phẩm đã kinh doanh tốt và ổn định rồi muốn phát triển thành chuỗi cửa hàng mỹ phẩm. Tuy nhiên, các chủ chuỗi lại đều chưa chú trọng đến việc lập kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh để mang lại hiệu quả tối ưu. Một kế hoạch kinh doanh sẽ trở thành xương sống cho toàn bộ hoạt động của chuỗi, biến những ý tưởng, mục tiêu thành hiện thực. Bài viết dưới đây chia sẻ 9 bước để lên kế hoạch kinh doanh chuỗi cửa hàng mỹ phẩm bài bản với mục tiêu đạt lợi ích tối đa.
1. Vì sao nên lập kế hoạch kinh doanh cho chuỗi cửa hàng mỹ phẩm?
1.1. Kế hoach kinh doanh là gì?
Kế hoạch kinh doanh (Business Plan) là những mục tiêu, đường đi nước bước của một đơn vị trong khoảng thời gian nhất định. Chúng được lập ra ngay từ đầu các chiến dịch bán hàng và nhằm mang lại hiệu quả kinh doanh tốt nhất.
Bản kế hoạch này có thể do chính chủ đơn vị hay những vị trí cao cấp có liên quan lập nên. Nội dung của kế hoạch càng chi tiết, cụ thể thì khả năng hiện thực hóa sẽ càng cao.
Bản kế hoạch kinh doanh có nhiều loại khác nhau, bao gồm các vấn đề chính yếu như: nguồn lực, tài chính, các chiến lược bán hàng và marketing. Giúp đơn vị chuẩn bị được các rủi ro, thách thức và đón đầu cơ hội.
1.2 Vì sao các chuỗi cửa hàng mỹ phẩm nên lập kế họach kinh doanh?
Không chỉ mỹ phẩm mà bất kể là bạn kinh doanh ngành nghề nào, từ shop nhỏ đơn lẻ đến chuỗi cửa hàng thì đều cần lập kế hoạch kinh doanh. Kế hoạch mà các chủ shop đang lên hiện nay thuờng không chi tiết, rõ ràng các định hướng, chiến lược kinh doanh trong lâu dài.
Nếu muốn phát triển mở rộng quy mô thì phải đầu tư lập nên những kế hoạch kinh doanh đúng nghĩa mang lại hiệu quả thực sự, kiểm soát được nguồn lực, nhân sự, tài chính.
Một kế hoạch kinh doanh tốt không chỉ quyết định sự thành bại của cả một chuỗi mà còn là cơ sở để chuỗi duy trì và phát triển về lâu về dài trong ngành bán lẻ nói chung và ngành mỹ phẩm nói riêng.
Đọc thêm: Kinh nghiệm quản trị kinh doanh chuỗi cửa hàng bán lẻ
2. 9 bước lên kế hoạch kinh doanh chuỗi cửa hàng mỹ phẩm
2.1. Tìm hiểu, nghiên cứu và phân tích thị trường
Bài học đầu tiên của người làm kinh doanh là phải hiểu được người tiêu dùng, nắm được bao quát thị trường mà mình đang tham gia. Phải nắm được có bao nhiêu đối thủ trong ngành mỹ phẩm này? Lọc ra những đối thủ mục tiêu, họ thành công hay thất bại như thế nào? Phân khúc khách hàng của họ ra sao? Thói quen tiêu dùng, thị hiếu của khách là gì? Và xác định nhu cầu trong tương lai của thị trường.
>> Thị trường, giá cả, thói quen mua sắm của khách hàng, đâu mới là chìa khóa thành công?
Với người đã có kinh nghiệm kinh doanh từ một cửa hàng thì cần mở rộng tầm nhìn khi muốn kinh doanh chuỗi, rất nhiều thứ sẽ thay đổi khi mô hình của mình phát triển hơn. Nếu không có chuyên môn trong việc này, bạn hoàn toàn có thể thuê một đơn vị tư vấn bên ngoài – họ sẽ cung cấp mọi thông tin về thị trường mỹ phẩm theo yêu cầu của bạn.
2.2. Đặt mục tiêu và những thành quả mà chuỗi cần đạt được
Bản kế hoạch nào cũng cần đưa ra kết quả cuối cùng là gì. Đối với chuỗi cửa hàng mỹ phẩm, bạn phải trả lời những câu hỏi: Làm thế nào để đo lường mức độ hiệu quả kinh doanh: tổng doanh thu, lợi nhuận ròng, số lượng nhân viên, chiếm bao nhiêu thị phần,…? Thời gian bao lâu thì có thể đạt được những mục tiêu đề ra: 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hay 3-5 năm? Hướng đi để thương hiệu của chuỗi cửa hàng mỹ phẩm sẽ duy trì hay mở rộng trong tương lai? V.v…
2.3. Phân tích SWOT cho chuỗi
SWOT là viết tắt của Strengths – Điểm mạnh, Weaknesses – Điểm yếu, Opportunities – Cơ hội và Threats – Thách thứ.
“Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Đây không phải lời nói suông, bản thân các chủ chuỗi phải biết được thế mạnh và điểm yếu của đơn vị mình khi tham gia vào thị trường kinh doanh mỹ phẩm, đặc biệt là mô hình chuỗi là gì? Từ những ưu – nhược điểm của chính bên mình, phân tích ra cơ hội có thể nắm được và cả những thách thức mà chuỗi mình sẽ phải đối mặt. Để trong bản kế hoạch có những phương án phát huy hay sửa đổi, bổ sung phù hợp.
2.4. Xác định loại hình kinh doanh phù hợp
Theo Luật Doanh nghiệp, các chủ chuỗi có thể chọn 1 trong 4 loại hình kinh doanh sau: Doanh nghịêp tư nhân, Công ty TNHH, Công ty cổ phần, Công ty hợp danh.
Mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có những ưu – nhược điểm riêng, dựa vào cả những lợi thế và hạn chế của đơn vị mình, mà bạn có thể chọn lựa mô hình phù hợp cho chuỗi cửa hàng mỹ phẩm. Hiện nay 2 loại hình phổ biến đang được nhiều chuỗi đăng ký, đặc biệt là các chuỗi kinh doanh mỹ phẩm chính là Công ty TNHH hoặc Công ty cổ phần
2.5. Lập kế hoạch Marketing
Kế hoạch Marketing lên những chiến lược, hoạt động nhằm thu hút khách hàng biết đến thương hiệu của bạn và quan trọng là làm sao để họ sẵn sàng mua hàng không chỉ 1 lần. Với việc kinh doanh mỹ phẩm, các sản phẩm có tiếng, có khách hàng yêu thích đã là một một lợi thế để làm tiếp thị rồi. Chính vì thế, uy tín chất lượng và thương hiệu sẽ là những mục tiêu hàng đầu trong kế hoạch marketing cho chuỗi cửa hàng mỹ phẩm
Các bước chuẩn bị trước khi lập kế hoạch marketing chính là phân loại khách hàng – lựa chọn nhóm khách mục tiêu – xác định thông điệp, hình ảnh mà chuỗi mình muốn định vị trong lòng khách hàng.
Nguyên tắc cơ bản trong khi lập kế hoạch marketing chính là lấy khách hàng làm trọng tâm, họ là mục tiêu xuyên suốt từ đầu tới cuối trong mọi hoạt động marketing.
>> HOT: Marketing 0đ với phần mềm quản lý và chăm sóc khách hàng MISA Lomas
2.6. Lập kế hoạch Tài chính
Tài chính luôn là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của một đơn vị kinh doanh. Xác định rõ khi phát triển chuỗi thì nguồn đầu tư chính sẽ là vốn đã có hay là vốn vay, dòng tiền đó sẽ chảy đến các hoạt động như nào, lúc nào sẽ cân bằng thu chi, lúc nào sẽ hoàn vốn, vốn luân chuyển ra sao,… Nhiều cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm rất thành công với 1 chi nhánh nhưng khi mở rộng quy mô lại không lường được sự luân chuyển của vốn ròng và có những thay đổi đúng đắn trong kế hoạch tài chính dẫn đến việc kinh doanh trở nên lao dốc.
Phải luôn cân nhắc nghiêm túc các khoản tiền như chi phí thuê mặt bằng, tiền nhập hàng, lương nhân viên, công nợ khách…trong bản kế hoạch của bạn. Nếu chuyên môn về tài chính không vững, hãy tham gia các lớp đào tạo về tài chính cho người quản lý để nâng cao nghiệp vụ
2.7. Lập kế hoạch Nhân sự
Nhân sự trong ngành bán lẻ nói chung thường dễ rời đi và chỉ xem đây là công việc mang tính chất tạm thời. Họ ít tạo dựng mối quan hệ gắn kết với cửa hàng, đặc biệt trong mô hình chuỗi cửa hàng thì sự liên kết này lại càng kém bền chặt. Khoảng cách địa lý giữa các cửa hàng và số lượng chi nhánh nhiều cũng ảnh hưởng tới chất lượng quản lý nhân sự của các chủ chuỗi.
Chính vì vậy, phải có kế hoạch nhân sự chi tiết phân công công việc và quyền hạn rõ ràng. Luôn có kế hoạch đào tạo và phát triển nhân viên và các cấp quản lý. Và thường xuyên đánh giá tình hình hoạt động của các bộ phận, các chi nhánh
>> Kinh nghiệm quản lý nhân viên kinh doanh chuỗi cửa hàng
2.8. Lên quy trình vận hành
So với việc kinh doanh một cửa hàng nhất định thì để điều hành cả một hệ thống chuỗi hiệu quả rất cần lên quy trình vận hành cụ thể cho từng bộ phận. Các đầu việc hàng ngày của nhân viên, hoạt động của trang thiết bị cần phải được lên kế hoạch vận hành rõ ràng. Các quy trình làm việc sẽ tạo sự đồng nhất và tác phong chuyên nghiệp cho nhân viên trên toàn hệ thống.
Kinh doanh chuỗi đồng nghĩa với việc không thể luôn có mặt tại tất cả các chi nhánh để giám sát vận hành. Khi đó các quy trình sẽ là công cụ để người quản lý nắm được sai sót từ khâu nào ngay khi có vấn đề phát sinh và có các phương án sửa đổi, khắc phục chính xác. Nhờ việc chuẩn bị sẵn kế hoạch vận hành mà khi triển khai thực tế, cả hệ thống sẽ tiết kiệm được các chi phí không cần thiết, cũng như lường trước và giảm thiểu những sai lầm.
2.9. Thực hiện và đánh giá hiệu quả
Đã lên các kế hoạch, mục tiêu, chiến lược thì không thể nào chỉ bỏ chúng ở đấy được, phải lên phương hướng thực hiện càng chi tiết càng tốt, đặt ra những mục ưu tiên cần thực hiện trong giai đoạn nào, những hạn định về thời gian và có sự phân công nhân sự cụ thể. Để thuận tiện theo dõi, đo lường mức độ hoàn thành công việc và đánh giá hiệu quả thực hiện. Khi có các vấn đề phát sinh hoặc những khó khăn trong quá trình thực hiện, cần lưu lại thông tin bao gồm cả nguyên nhân và hướng giải quyết để có những bổ sung, sửa đổi vào kế hoạch.
Đảm bảo lưu trữ toàn bộ các hoạt động thực hiện theo kế hoạch, xây dựng các báo cáo cho từng mục tiêu, công việc để đánh giá lại chất lượng của kế hoạch đã phù hợp với chuỗi và dần hoàn thiện nó.
Tổng kết
Trên đây, là 9 bước lên kế hoạch kinh doanh cho chuỗi cửa hàng mỹ phẩm. Kinh doanh là cả một quá trình, lên kế hoạch là bước tạo nền tảng để bất kể là cửa hàng lẻ hay chuỗi đi được đường dài. Thành hay bại phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng nhất định không thể thiếu vai trò bản kế hoạch kinh doanh. Các chuỗi mỹ phẩm hãy xây dựng riêng cho mình bản kế hoạch phù hợp để đứng vững trên thị trường.