Đưa ra mức giá hoàn hảo cho những sản phẩm của cửa hàng giúp cho bạn dễ bán hàng hơn và tạo được lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. Vậy làm cách nào để tìm ra một mức giá phù hợp để bán cho khách hàng. Cùng xem 8 cách tính giá bán lẻ quần áo sau nhé.
1. Chọn giá bán lẻ bằng chiến lược giá của riêng cửa hàng bạn
Giá bán lẻ sản phẩm là giá bán cho người tiêu dùng cuối cùng, thường là giá được hiển thị trên tag hoặc trang web cửa hàng. Giá bán lẻ thường bao gồm giá thành sản phẩm, các chi phí vận chuyển, chi phí quảng cáo và lợi nhuận cửa hàng.
Nhiều cửa hàng bán lẻ thời trang chọn mức giá bán bằng cách cộng thêm vào giá vốn hàng hóa một tỷ lệ lãi nhất định. Tùy từng mức giá vốn khác nhau mà tỷ lệ ấy được áp dụng khác nhau, và phụ thuộc vào từng tình huống trong thực tế.
Dưới đây là là một công thức bạn có thể áp dụng cho giá bán sản phẩm:
Giá bán lẻ = [(Giá vốn) : (100 – % markup)] x 100
(*Markup là tỷ lệ phần trăm của lợi nhuận trên chi phí. Để tính markup, lấy giá bán trừ chi phí sản phẩm. Sau đó lấy chênh lệch đó chia cho chi phí).
Ví dụ: Một chiếc áo phông bạn nhập với giá vốn là 90.000 vnđ, bạn muốn markup 40%, vậy giá bán tính theo công thức trên sẽ là:
Giá bán = [ 90.000 : (100 – 40)] x 100 = 150.000 vnđ.
Cách tính giá bán này được sử dụng ở hầu hết các nước Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Á, đặc biệt là những sản phẩm thời trang cao cấp, hàng hiệu hay thời trang thiết kế. Tỉ lệ markup thường trong khoảng 25-60%, phổ biến nhất ở mức 50%.
Margin là tỷ lệ phần trăm của lợi nhuận trên giá bán. Markup là tỷ lệ phần trăm của lợi nhuận trên chi phí để xác định giá bán.
2. Mức giá bán lẻ MSRP được đưa ra bởi đề xuất của nhà cung cấp
MSRP ( Manufacturer’s Suggested Retail Price) là mức giá bán được phía nhà cung cấp đề xuất cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ khi bán sản phẩm của họ. Các MSRP cũng được gọi là giá niêm yết của nhiều nhà bán lẻ.
Phía nhà cung cấp sẽ đưa ra một mức giá bán lẻ tiêu chuẩn cho những đại lý, cửa hàng bán hàng của họ, mức giá này được đưa ra tùy vào khu vực và thời điểm.
Chẳng hạn, bạn nhập một chiếc váy từ xưởng A về có giá vốn 150.000vnđ, phía xưởng A đề xuất giá bán lẻ cho sản phẩm đó là 350.000vnđ và không vượt quá 400.000vnđ. Như vậy, mức bán lẻ của bạn sẽ dao động trong khoảng giá đề xuất mà nhà cung cấp đưa ra.
Mục đích của cách áp dụng giá bán này là để tránh tình trạng bán phá giá một sản phẩm trên thị trường. Trong trường hợp bạn chấp nhận lợi nhuận thấp để bán được hàng, thì phía các cửa hàng khác cùng nhập chiếc váy đó tại xưởng A sẽ khó bán hoặc phải hạ mức giá xuống ngang hàng để cạnh tranh.
Đây là một chiến thuật bán hàng của nhà cung cấp để bình ổn giá thị trường. Tại Việt Nam, mức giá này chủ yếu áp dụng cho các hệ thống cửa hàng nhượng quyền thương hiệu hoặc các đại lý bán lẻ nhượng quyền của các thương hiệu như TNG, Viettien,…
Đọc thêm:
>> 5 lý do khiến doanh thu của cửa hàng bạn không có sự tăng trưởng
>> Khách hàng mua quần áo, giày dép trên kênh nào nhiều nhất?
3. Giá bán sản phẩm đơn giản được cộng thêm một mức lợi nhuận mong muốn
Đây là chiến lược giá bán được nhiều cửa hàng áp dụng, đặc biệt là những cửa hàng nhỏ, ít nhân viên.
Giá bán = Giá Vốn + Lợi nhuận mong muốn trên sản phẩm
Bạn chỉ cần cộng mức lãi bạn muốn có được sau khi bán để thu từ khách hàng. Cách này từ xưa đã được áp dụng, đặc biệt ở các chợ bán lẻ truyền thống. Tùy vào mức giá vốn cụ thế mà lợi nhuận cộng thêm là khác nhau.
Thông thường, giá vốn càng lớn thì lãi trên mỗi sản phẩm càng lớn. Chiếc áo có giá vốn 50.000vnđ thì có giá bán khoảng 100.000vnđ, nhưng chiếc áo có giá vốn 120.000 thì mức giá bán sẽ vào khoảng 200.000vnđ, tỷ lệ lãi của chiếc áo thứ 2 tuy thấp hơn nhưng lượng lãi rõ ràng vẫn cao hơn chiếc áo thứ nhất.
Tất nhiên, ai cũng mong muốn nhận được mức lãi cao nhất có thể. Tuy nhiên, nếu để giá bán quá cao hay quá thấp thì việc buôn bán của cửa hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Để giá quá cao, khách ngán ngẩm lắc đầu, để giá quá thấp, mức lãi chẳng có bao nhiêu.
Sử dụng cách tính giá bán lẻ quần áo này thì mức giá bán nên được cân nhắc hợp lý để vừa dễ bán hàng, vừa có đủ lợi nhuận để công việc bán hàng được thuận lợi.
4. Sử dụng nhiều mức giá bán cho cùng một sản phẩm
Cách tính giá bán lẻ quần áo này được sử dụng nhiều cho bán buôn. Tuy nhiên nhiều shop thời trang bán lẻ vẫn sử dụng cách này để kích cầu khách hàng. Những sản phẩm thời trang thường được áp dụng như áo phông, phụ kiện…
Nếu khách hàng mua 1 sản phẩm sẽ có giá X, mua 2 sản phẩm sẽ có giá Y và 3 sản phẩm sẽ có giá Z. Đây chính là mức giá mà cửa hàng tự đưa ra để khuyến khích khách hàng mua nhiều hơn, mua càng nhiều giá càng rẻ. Cùng tham khảo 4 chương trình khuyến mãi giúp shop thời trang bùng nổ đơn hàng
5. Mức giá chiết khấu
Không lạ lẫm gì với thói quen mua sắm của khách hàng. Họ ưa thích sản phẩm đang trong chương trình sales off, coupon hay mức trợ giá vào mùa cao điểm. Đây là lý do chiến lược giá bán lẻ chiết khấu được không ít cửa hàng thời trang áp dụng.
Có nhiều lợi ích khi sử dụng mức giá chiết khấu, nó giúp chương trình bán hàng trở nên hiệu quả và thu hút được nhiều khách hàng hơn. Trong đó, hình thức này được thể hiện dưới dạng:
- Giá chiết khấu cho từng đối tượng khách hàng, theo đó, khách hàng vip sẽ có mức chiết khấu cao hơn khách hàng tiêu chuẩn.
- Giá chiết khấu theo giá trị hóa đơn.
- Giá chiết khấu theo số mặt hàng.
- Giá chiết khấu theo ngày mua hàng….
Có rất nhiều cách thức thể hiện giá chiết khấu khi bán hàng. Tùy vào từng thời điểm và hiệu quả mà mỗi chương trình đem lại, cửa hàng sẽ chọn giá bán phù hợp để chính thức triển khai tới khách hàng.
6. Định giá thua lỗ để tăng giá trị trung bình của mỗi giao dịch bán hàng
Nghe có vẻ mơ hồ nhưng đây là cách làm của rất nhiều shop. Hiểu nôm na là bạn sẽ bán một số mặt hàng hòa vốn, thậm chí là bị lỗ để thu hút khách hàng. Bù vào đó, bạn sẽ tăng giá của các sản phẩm khác để bù đắp phần nào lợi nhuận bị thiếu hụt.
Cách thức này áp dụng ở rất nhiều shop bán hàng online hay bán hàng tại cửa hàng. Những mặt hàng được hạ giá là những mặt hàng hot-trend, có nhiều khách hàng biết tới và ưa thích.
Khi khách hàng ghé thăm shop của bạn, họ có thể mua những sản phẩm khác nữa. Đồng thời, với những khách hàng xa lạ, đây cũng là hình thức giúp thu hút họ đến cửa hàng hay fanpage/website bán hàng thường xuyên hơn.
7. Mức giá cạnh tranh để đánh bại đối thủ
Giống như tên gọi, mức giá này được định dựa trên mức giá bán lẻ của đối thủ cho cùng mặt hàng hay sản phẩm tương tự. Mức giá mà bạn đưa ra thường thấp hơn đối thủ cạnh tranh nhưng không phải quá lớn.
Thông thường, một khách hàng khi mua sắm thường có sự so sánh mức giá giữa nhiều cửa hàng. Nếu mức giá của bạn thấp hơn, chắc chắn tỷ lệ khách hàng đặt mua cũng sẽ nhiều hơn.
Tuy nhiên, để tránh tình trạng phản tác dụng, không nên đặt mức giá thấp hơn hẳn so với đối thủ. Lý do là khách hàng có khả năng nghi ngờ chất lượng sản phẩm kém hơn của đối thủ.
8. Đưa ra mức giá cao hơn đối thủ, nhấn mạnh vào chất lượng cao
Nếu như cách định giá trước giúp bạn đưa ra mức giá cạnh tranh hơn so với đối thủ thì ở cách này, bạn cần đưa ra mức giá cao hơn đối thủ, và đặc biệt nhấn mạnh tới chất lượng của sản phẩm.
Theo cách này, bạn cần kết hợp nhiều yếu tố và bộ phận để có thể bán được nhiều hàng:
- Thứ nhất, về mặt truyền thông sản phẩm, cần nêu được ưu điểm nổi bật của sản phẩm. Sản phẩm cao cấp hơn đối thủ ở điểm nào? (Mặc dù mặt hàng là như nhau, nhưng hãy nghĩ ra lý do khách hàng nên mua sản phẩm ấy là gì?)
- Thứ hai, làm cho thương hiệu của bạn trở nên đắt giá hơn. Những sản phẩm cao cấp thì gắn liền với nó là một cửa hàng luôn có dịch vụ tốt, chuyên nghiệp trong bán hàng và quản lý bán hàng.
9. Tổng kết
Trên đây là 8 cách để bạn đưa ra mức giá bán cho sản phẩm của mình. Thay vì chỉ định giá theo một cách thức truyền thống, hãy thử áp dụng những cách định giá bán khác nhau để xem hiệu quả bán hàng đạt được có sự chuyển biến tích cực hay không.
Chúc cho chủ shop sẽ tìm được cho sản phẩm của mình một mức giá bán hoàn hảo nhất và công việc kinh doanh luôn gặp nhiều may mắn!
Đọc thêm:
>> Ý tưởng kinh doanh giày dép dịp Tết siêu lợi nhuận
>> 8 lời khuyên dành cho những người kinh doanh lĩnh vực thời trang